Hôm nay tôi xin chia sẻ một số kiến thức căn bản trong xây dựng. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ đang làm kỹ thuật hay nhưng bạn đang có ý định xây dựng nhà cửa. Đây hoàn toàn là tài liệu do bản thân đức kết và do mình sưu tập được.
Nội dung
- 1 Kiến thức căn bản trong xây dựng
- 1.1 1.Tại sao thợ hồ thường tưới nước vào gạch trước khi xây?
- 1.2 2. Tại sao thép trong ô – văng thường được đặt bên trên mà lại không đặt bên dưới và sát mặt ván khuôn
- 1.3 3. Tại sao trong các tấm đan sàn Bê Tông Cốt Thép xung quanh có đà, cốt thép giáp đà thường có 2 lớp trên – dưới, trong khi cốt thép ở giữa sàn chỉ có một lớp ở dưới?
- 1.4 4. Tại sao đối với các căn nhà được xây bằng móng gạch, cột gạch, tường gạch, khi đang xây dựng, các tấm đan ô-văng ( mái đón ) hay bị sụp đổ?
- 1.5 5. Tại sao móng các nhà lầu đúc thường được đặt ở độ sâu từ 1.40m đến 1.80m hoặc sâu hơn?
- 1.6 6. Độ sâu đặt móng ở nhà liền kề có gây ảnh hưởng gì đến móng của công trình đang xây dựng hoặc ngược lại không?
- 1.7 7. Nguyên nhân nào làm cho nhà nhiều tầng bị nghiêng khi đang xây dựng?
- 1.8 8. Các yếu tố gì ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị điện?
- 1.9 9. Sử dụng dây điện qui cách như thế nào cho hợp lý và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật?
- 1.10 10. Sử dụng ống nước qui cách như thế nào cho hợp lý và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật?
- 1.11 11. Tại sao một số chủ nhà hay chủ thầu thỉnh thoảng lại bồi dưỡng thợ ăn uống giữa buổi, nhất là buổi sáng?
Kiến thức căn bản trong xây dựng
Dưới đây là những kiên thức căn bản mà quý khách hàng cần phải quan tâm trong quá trình xây dựng công trình dân dụng.
1.Tại sao thợ hồ thường tưới nước vào gạch trước khi xây?
Do vữa xây là một hỗn hợp gồm Xi măng – Cát – Nước và do hổn hợp cần có một khoảng thời gian nhất định để kết dính và đông cứng, và để gắn gạch kết dính với nhau.
Bản thân gạch có tính hút nước rất mạnh, sẽ hút hết lượng nước cần thiết trong vữa, làm vữa không còn đủ lượng nước cần thiết để kết dính và đông cứng . Do đó, trước khi xây, cần tưới nước vào gạch để hạn chế bớt khả năng hút nước của gạch.
mái xếp di động
2. Tại sao thép trong ô – văng thường được đặt bên trên mà lại không đặt bên dưới và sát mặt ván khuôn
Quan sát một tấm đan Bê Tông Cốt Thép không cốt thép hoặc cốt thép đặt sai cấu tạo như hình h1, dưới sức nặng của bản thân, đầu tiên tấm đan xuất hiện các vết nứt bên trên gần tường hoặc đà neo. Khi các vết nứt này rộng ra và ăn sâu xuống giáp mặt dưới tấm đan, tấm đan sẽ bị gẩy.
Vì vậy việc đặt cốt thép sát bề mặt bên trên của tấm đan Bê Tông Cốt Thép sẽ ngăn chặn các vết nứt không tiến sâu qua khỏi lớp cốt thép, do đó tấm đan Bê Tông Cốt Thép sẽ không bị gãy, đổ.
3. Tại sao trong các tấm đan sàn Bê Tông Cốt Thép xung quanh có đà, cốt thép giáp đà thường có 2 lớp trên – dưới, trong khi cốt thép ở giữa sàn chỉ có một lớp ở dưới?
Quan sát một tấm Bê Tông bị gãy đổ như hình vẽ h.2, ta thấy đầu tiên ở giữa tấm sàn xuất hiện các vết nứt từ dưới lên trên. Tiếp theo đó phần sàn giáp đà xuất hiện các vết nứt từ trên xuống dưới và cuối cùng tấm sàn bị gãy, sụp đổ hoàn toàn.
Vì vậy việc đặt lớp cốt thép bên dưới ở giữa sàn là để ngăn các vết nứt ở bên dưới, giữa sàn. Tương tự, việc đặt lớp cốt thép bên trên ở phần sàn giáp đà, để ngăn chặn các vết nứt ở bên trên, ở phần sàn giáp đà
4. Tại sao đối với các căn nhà được xây bằng móng gạch, cột gạch, tường gạch, khi đang xây dựng, các tấm đan ô-văng ( mái đón ) hay bị sụp đổ?
Đối với các căn nhà được xây bằng móng gạch, cột gạch, tường gạch, mái tôn, các tấm đan ô-văng Bê Tông Cốt Thép ( mái đón ) thường hay bị sập đổ do một trong hai nguyên nhân sau đây:
– Do bản thân tấm đan Bê Tông Cốt Thép bị gãy, sụp như nguyên nhân ở mục 2 đã nêu.
– Do tấm đan Bê Tông Cốt Thép không có đà ngàm vào tường để tận dụng tải trọng phần tường bên trên đà làm đối trọng, hoặc có nhưng đối trọng này không đủ khả năng giữ tấm đan ô-văng không bị lật, sụp.
5. Tại sao móng các nhà lầu đúc thường được đặt ở độ sâu từ 1.40m đến 1.80m hoặc sâu hơn?
Dưới tác dụng của tải trọng công trình truyền xuống móng, đất nền cần có độ cứng để chịu đựng, để móng không bị lún. Khả năng đó của đất nền gọi là sức chịu tải của đất nền, hay còn gọi là cường độ đất nền. Đơn vị tính sức chịu tải của đất nền là kg/cm2 hoặc tấn/m2.
Càng xuống sâu so với mặt đất tự nhiên ban đầu, sức chịu tải của đất nền càng ổn định.
Do ở vị trí sâu từ 1.40m đến 1.80m hay sâu hơn, các yếu tố làm giảm sức chịu tải của đất nền như hiện tượng trượt , trồi đất, hiện tượng nhảo hoá đất do ngập nước… không xảy ra và nếu có cũng không còn gây nguy hiểm cho đất nền dưới đáy móng nữa.
6. Độ sâu đặt móng ở nhà liền kề có gây ảnh hưởng gì đến móng của công trình đang xây dựng hoặc ngược lại không?
Để tránh hiện tượng trượt, trồi đất, nếu độ sâu chôn móng của hai công trình là khác nhau, tức là có sự chênh lệch độ sâu đặt móng giữa hai công trình, thì móng của hai công trình phải đảm bảo cách nhau một khoảng cách nhất định. Khoảng cách đó phải lớn hơn 1.50 lần khoảng cách chênh lệch độ sâu giữa hai móng.
nhà cấp 4 mái bằng
7. Nguyên nhân nào làm cho nhà nhiều tầng bị nghiêng khi đang xây dựng?
Thường do một trong hai nguyên nhân chính:
– Do móng lún không đều (móng băng, móng bản), hoặc độ lún giữa các móng ( móng băng hoặc móng đơn) là chênh lệch nhau vượt quá giới hạn cho phép.
– Do kết cấu móng bị phá huỷ ( do thiết kế hoặc thi công sai)
+ Do đế móng bị gãy .
+ Do đà móng bị gãy.
+ Do cổ cột bị gãy hoặc đà kiềng ngang bị gãy (ở các móng lệch tâm).
8. Các yếu tố gì ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị điện?
Có 2 yếu tố sau:
– Sự ổn định của cường độ dòng điện.
– Số lần tắt – mở khi sử dụng Thiết bị điện ( Thực ra cũng do nguyên nhân sự ổn định của cường độ dòng điện. Do mỗi khi tắt – mở, do hiện tượng tự cảm, cường độ dòng điện có biến thiên).
9. Sử dụng dây điện qui cách như thế nào cho hợp lý và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật?
Tuỳ theo công suất của từng thiết bị điện, của từng cụm thiết bị điện, việc sử dụng dây điện đúng qui cách sẽ đảm bảo không xảy ra hiện tượng quá tải làm nóng, cháy dây điện, và ngược lại cũng không làm lảng phí dây dẫn điện.
a. Ký hiệu quy cách dây điện: Có hai cách ký hiệu qui cách dây điện tuỳ theo cấu tạo dây:
– Dây lỏi đồng đơn, đặc: Có các loại dây: dây đơn 12/10; 16/10; 20/10; 26/10; 30/10 …( các số 12; 16; 20; 26; 30; … chỉ đường kính dây, đơn vị tính mm ).
– Dây lỏi dạng cáp ( gồm nhiều dây nhỏ xoắn vào nhau): Có các loại: cáp 1.25; 1.5; 2.0; 2.5; 3.0; 3.5; 4.0; 5.0; 5.5; 6.0; 7.0; 8.0; 10.0; 11.0… ( số liệu này chỉ tiết diện dây, đơn vị tính mm2).
Các loại dây nêu trên, theo yêu cầu sử dụng, để tiện đi dây, thường được ghép dính vào nhau ở tiếp điểm giữa hai lớp nhựa bảo vệ để hình thành dây đôi, dây dẹp. Có các loại dây đôi: 2×16; 2×24; 2×30; 2×32; … Có các loại dây dẹp: 2×1.5; 2×2.5; 2×4.0; 2×6.0; …
Hoặc được bọc tròn bởi hai dây thành một gọi là dây bọc tròn hai ruột. Có các loại dây bọc tròn hai ruột: 2×1.0; 2×1.50; 2×2.5; 2×4.0; 2×6.0; …
b. Trong nhà ở dân dụng, qui cách dây điện thường sử dụng là:
– Dây nguồn cho công trình: Dây 14mm2- Dây nối đất: Dây 10mm2
– Dây máy lạnh, tủ lạnh, máy nước nóng, bàn ủi điện, bếp điện: Dây 3.5mm2
– Dây ổ cắm: Dây 3.5mm2
– Dây nối đất ổ cắm: Dây 3.5mm2
– Dây đèn: Dây 2.5mm2
– Dây công tắc đèn: Dây 1.5mm2
Trong các nhà nhiều tầng, nên thiết kế mỗi tầng có một dây nguồn riêng. Tuỳ theo công suất sử dụng của từng tầng, dây nguồn này có thể chọn dây 5.5mm2 ; dây 6.0mm2; dây 7.0mm2; dây 8.0mm2;…
mái nhà
10. Sử dụng ống nước qui cách như thế nào cho hợp lý và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật?
a. Ống cấp:
Trong các nhà nhiều tầng, nguồn nước do nhà máy nước cung cấp không đủ áp lực để dẫn lên các tầng lầu. Do đó, nguồn nước này thường được dẫn vào một bồn chứa nước đặt ngầm dưới tầng trệt. Và từ bồn chứa nước đặt ngầm này, nước được bơm lên một bồn chứa nước khác được đặt ở sàn mái. Và từ bồn chứa nước đặt ở sàn mái, nước được dẫn xuống các tầng bên dưới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Qui cách ống thường được sử dụng là:
– Ống dẫn nước từ đồng hồ nước vào bồn chứa ngầm: Ống ø 34 hoặc ø 27.
– Ống bơm nước từ bồn ngầm lên bồn đặt trên sàn mái: Ống ø 27.
– Ống dẫn nước từ bồn đặt trên sàn mái xuống các tầng:
Nếu sử dụng chung một ống cho các tầng: Ống ø 49. Nếu sử dụng mỗi tầng một ống cấp riêng: Ống ø 34. ( Nên sử dụng mỗi tầng một ống cấp riêng để tránh hiện tượng giảm áp, tức là hiện tượng khi các vòi nước ở các tầng dưới đồng thời hoạt động, nước không còn áp lực đủ mạnh để phục vụ các tầng bên trên.)
– Ống nhánh dẫn nước vào các phòng: Ống ø 27.
– Ống dẫn nước ra các thiết bị khác: Ống ø 21.
b. Ống thoát:
– Ống thoát nước mưa sân thựơng sàn mái: Ống ø 114 hoặc ø 90.
– Ống thoát nước mưa sân thựơng ban công: Ống ø 90 hoặc ø 60.
– Ống thoát nước thải sinh hoạt: Dùng chung ống thoát nước mưa sân thựơng, sàn mái.
– Ống dẫn phân từng các tầng xuống hầm vệ sinh tự hoại: Ống ø 114 hoặc ø 90.
– Ống dẫn nước từ ngăn lắng – lọc của hầm vệ sinh tự hoại ra cống chung: Ống ø 90.
– Ống rút hầm cầu đặt từ ngăn chứa hầm vệ sinh tự hoại ra ngoài nhà: Ống ø 114. ( Ống này được bịt kín, chỉ mở ra khi có nhu cầu rút hầm cầu.)
11. Tại sao một số chủ nhà hay chủ thầu thỉnh thoảng lại bồi dưỡng thợ ăn uống giữa buổi, nhất là buổi sáng?
Trong việc xây dựng nhà cửa, nhất là nhà nhiều tầng, việc đề phòng tai nạn lao động là việc ai cũng quan tâm. Tai nạn lao động nếu có xảy ra là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân do sức khỏe của ngừơi lao động là điều đáng để chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Nhiều ngừơi lao động, do thói quen, hoặc do điều kiện kinh tế thường bỏ bữa ăn sáng và uống một tách cà phê đen.
Ngừơi lao động có biểu hiện mệt mỏi do làm việc quá sức, mất ngủ, do bỏ bữa ăn trước đó, thường khả năng làm việc giảm sút, đặc biệt là phản xạ tự vệ không còn nhạy bén.
Trong trường hợp này mà người lao động phải làm việc trên cao, đòi hỏi phải leo trèo, hoặc vận hành các máy móc đòi hỏi kỹ thuật an toàn lao động cao, là điều rất nguy hiểm.
Việc thỉnh thoảng bồi dưỡng thợ ăn uống gọn nhẹ giữa buổi cũng là cốt để cho thợ lấy lại sức mà tăng khả năng làm việc, và đặc biệt là đầu óc tỉnh táo, phản xạ tự vệ nhanh, nhạy, tránh được những sơ sẩy đáng tiếc có thể xảy ra tai nạn lao động.
Nguồn: sưu tập